Hotline: 0903 380 317 (Mr Tùng)

Từ khóa
Danh mục

Đang truy cập: 23
Trong ngày: 74
Trong tuần: 470
Lượt truy cập: 268772


Lượt xem: 1742

21-05-2017 16:18


Quy định về người đại diện pháp luật theo Luật Doanh nghiệp 2014:

Theo Luật doanh nghiệp 2014 được áp dụng, nhiều quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã thay đổi. Việt TH xin giới thiệu một số quy định về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp và khách hàng có thể cần tham khảo trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp.

Nội dung chính

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?
  • Công ty có thể có mấy người đại diện theo pháp luật?
  • Trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật là gì?
  • Nếu không có người đại diện theo pháp luật thì sao?
  • Cần điều kiện gì để làm Người đại diện theo pháp luật?
  • Một người có thể làm Người đại diện theo pháp luật của mấy công ty?

 

1/ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?

Theo điều 13, Luật doanh nghiệp 2014, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật đại diện cho doanh nghiệp giao tiếp với bên ngoài và quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp.

 

2/ Công ty có thể có mấy người đại diện theo pháp luật?

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 

3/ Trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật là gì?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm:

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

 

4/ Nếu không có người đại diện theo pháp luật thì sao?

Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

  

5/ Cần điều kiện gì để làm Người đại diện theo pháp luật?

Người đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân:

– Trên 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và không bị cấm tại Luật Doanh Nghiệp.

– Đến từ bất cứ đâu, không phân biệt nơi lưu trú, quốc tịch.

– Được xác nhận thường trú tại Việt Nam. Nếu là người nước ngoài thì người đó phải ở Việt Nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ và phải có Thẻ tạm trú theo quy định tại Nghị định 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001.

– Đối với con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) – Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với người được giám hộ – Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự – Người được Toà án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với hộ gia đình – Chủ hộ là người đại diện theo pháp luật.

 

Đại diện Pháp Luật thường giữ những chức vụ quan trọng trong công ty như Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.

 

6/ Một người có thể làm Người đại diện theo pháp luật của mấy công ty?

– Việc bổ nhiệm, thuê Tổng Giám đốc/Giám đốc của doanh nghiệp là công việc nội bộ của doanh nghiệp. Do đó, việc thuê ai làm Tổng Giám đốc/Giám đốc phụ thuộc vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và người được doanh nghiệp thuê làm Tổng Giám đốc/Giám đốc. Luật doanh nghiệp không hạn chế số lượng Doanh nghiệp tối đa mà một người có thể làm Tổng Giám đốc/Giám đốc. Có nghĩa là, một người có thể làm Tổng Giám đốc/Giám đốc cho nhiều Doanh nghiệp, nếu họ có khả năng và Doanh nghiệp đồng ý.

– Đại diện pháp luật trong từng loại hình công ty:

Trong mỗi loại hình công ty, Đại diện Pháp Luật có những chức danh khác nhau và luật quy định khác nhau về việc thành lập thêm doanh nghiệp. Vì thế cần lưu ý:

Công ty TNHH một thành viên:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Chủ tịch công ty/Tổng Giám đốc/Giám đốc.

– Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Chủ tịch công ty/Tổng Giám đốc/Giám đốc Công Ty TNHH một thành viên đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Chủ tịch công ty/Tổng Giám đốc/Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

 

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Tổng Giám đốc/Giám đốc.

– Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Tổng Giám đốc/Giám đốc Công Ty TNHH hai thành viên trở lên đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Chủ tịch công ty/Tổng Giám đốc/Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

 

Công ty Cổ phần:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị/Tổng Giám đốc/Giám đốc.

– Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty Cổ Phần không còn bị cấm làm Tổng Giám đốc/Giám đốc tại bất kỳ công ty nào khác và vẫn có thể làm Đại diện Pháp Luật của công ty khác với chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty.

 

Doanh nghiệp tư nhân:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Tổng Giám đốc/Giám đốc.

– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

– Tổng Giám đốc/Giám đốc Doanh nghiệp Tư Nhân đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Chủ tịch công ty/Tổng Giám đốc/Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

 

Hộ kinh doanh cá thể:

– Chủ hộ là người đại diện theo pháp luật

– Theo khoản 2 điều 50 Nghị định 43/2010/NĐ-CP: “Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.”

– Chủ hộ kinh doanh cá thể đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

 

Luật doanh nghiệp 2014 có khá nhiều thay đổi về mặt quản trị công ty, trong đó có thay đổi về người đại diện theo pháp luật. Luật lần này cho phép các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ được quy định trong điều lệ công ty.

Thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến mô hình tổ chức và quản trị công ty nhưng theo hướng quản trị công ty hiện đại. Mỗi giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty – khi đó sẽ có quyền đại diện cho công ty trong phạm vi quyền hạn họ được trao. Và một khi họ thực hiện đúng thẩm quyền của mình, mọi hành động của họ sẽ ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

Để có thể thích ứng được với quy định mới, doanh nghiệp sẽ buộc phải phân định rõ quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật, đồng thời, đối tác sẽ phải tìm hiểu tư cách và thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật trước khi quyết định làm ăn với doanh nghiệp.

 

 

 

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ ĐẠI LÝ THUẾ VIỆT TH

Địa chỉ: Số 6 đường 3278B Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8, Tp.HCM

Điện thoại:  0903 380 317 - 0911 22 99 37 - 0933 22 99 37

Email: [email protected] - Website: www.dailythuevietth.com 

Thiết kế bởi Thiết Kế Web Giá Rẻ